Có nên triệt sản trong khi sinh mổ?

04/03/2025
|
0 lượt xem
Các Bệnh Mang Thai & Sinh Con Sản Phụ Khoa Sức Khỏe
Có nên triệt sản trong khi sinh mổ?

Trả lời:

Mổ lấy thai kết hợp triệt sản được nhiều phụ nữ lựa chọn do tính an toàn, tiết kiệm chi phí. Thai phụ có chỉ định sinh mổ và không có nhu cầu sinh thêm con có thể áp dụng phương pháp này. Bạn đang mang thai lần thứ ba, đã hai lần sinh mổ, có thể chọn triệt sản trong khi mổ lấy thai. Bạn đã sinh mổ nhiều nếu không ngừa thai cẩn thận dẫn tới có thai ngoài ý muốn, tăng nguy cơ biến chứng như vỡ tử cung, nhau tiền đạo, nhau cài răng lược.

Triệt sản là phương pháp ngừa thai phù hợp và an toàn với bạn, tỷ lệ ngừa thai khoảng 99,9% cao hơn so với đặt vòng, bao cao su, uống thuốc tránh thai khẩn cấp hoặc xuất tinh ngoài... Sau phẫu thuật, phụ nữ không thể có con theo cách tự nhiên.

Thời gian thực hiện triệt sản trong khi mổ lấy thai chỉ thêm 5-10 phút so với thời ca mổ lấy thai thông thường. Sau khi rạch da bụng và cơ tử cung, bác sĩ đưa bé ra ngoài, kẹp rốn chậm và cắt rốn. Tiếp theo, bác sĩ tiến hành lấy nhau, may cơ tử cung. Cuối cùng, bác sĩ kiểm tra cầm máu, co hồi tử cung, rồi tiến hành thắt, cắt ống dẫn trứng (triệt sản). Cách này làm gián đoạn, tách rời ống dẫn trứng, khiến trứng và tinh trùng không thể gặp nhau.

Thai phụ sinh thường cũng có thể chọn phẫu thuật nội soi triệt sản sau sinh 24-48 giờ. Phụ nữ cũng có thể phẫu thuật vào thời điểm không mang thai, sinh nở bằng phương pháp mổ nội soi.

BS.CKII Lê Thanh Hùng mổ lấy thai kết hợp triệt sản cho một phụ nữ: Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Nếu triệt sản trong khi mổ lấy thai hoặc ngay sau sinh thường, sản phụ nên tái khám sau 4-6 tuần để bác sĩ đánh giá. Nếu tình trạng ổn định, vợ chồng có thể quan hệ tình dục bình thường, trường hợp thực hiện triệt sản ngoài thời gian mang thai thì chị em cũng cần tái khám sau mổ 2-4 tuần.

Triệt sản không làm thay đổi về chu kỳ kinh nguyệt, ham muốn tình dục. Tuy nhiên, một số phụ nữ có thể hối tiếc do không thể mang thai tự nhiên. Lúc này muốn có con phụ nữ cần được phẫu thuật nối ống dẫn trứng, song tỷ lệ thành công thấp, tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung. Phương pháp khác để có con là thụ tinh ống nghiệm. Do đó, trước khi thực hiện ngừa thai triệt để, vợ chồng cần nhắc kỹ về ưu điểm và hạn chế của phương pháp này.

BS.CKII Lê Thanh HùngPhó khoa Sản, Trung tâm Sản Phụ khoaBệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Độc giả gửi câu hỏi về sản phụ khoa tại đây để bác sĩ giải đáp
Tin liên quan
Tin Nổi bật